1. Thông tin về Đề án Chương trình Sữa học đường (sau đây gọi tắt là Đề án):
Thực hiện Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và Công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), ngày 06/8/2018, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020.
1.1. Mục tiêu Đề án
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày tại trường, phấn đấu đến năm 2020: Trên 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo chương trình Sữa học đường; 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%; tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; nhu cầu sắt, canxi và vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%; góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%; góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%; góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 - 2 cm so với năm 2010.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp.
1.2. Thời gian, đối tượng và định mức thụ hưởng Đề án: Từ ngày 02/01/2019 đến hết năm 2020, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội được phụ huynh tự nguyện tham gia sẽ uống sữa tươi tiệt trùng Vinamilk (có đường hoặc không đường tùy theo thể lực của trẻ) mỗi ngày một lần x 1 hộp 180ml x 05 lần/tuần x 9 tháng đi học.
1.3. Cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án:
- Học sinh diện nghèo, cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND Thành phố ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí: Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%; Ngân sách Thành phố hỗ trợ: 50%.
- Học sinh bình thường: Ngân sách Thành phố hỗ trợ 30%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 23%; phụ huynh học sinh đóng góp 47% (đóng góp không quá 2.955đ/hộp sữa tươi 180 ml).
1. 4. Đơn vị cung cấp sữa, chất lượng, giá sữa
- Đơn vị cung cấp sữa: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở GDĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp sữa theo đúng quy định của Luật đấu thầu kết quả Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã trúng thầu với giá 1 hộp sữa là 6.286đồng/hộp = 180ml, không tăng giá từ năm học 2018 -2019 đến hết năm 2020.
- Chất lượng sữa: Sữa dùng trong chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng Vinamilk (có đường hoặc không đường), đảm bảo chất lượng theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Y tế; sản xuất theo kế hoạch đặt hàng của các nhà trường có hạn sử dụng là 8 tháng; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã mua bảo hiểm từng hộp sữa và cam kết giao sữa cho các nhà trường còn hạn sử dụng tối thiểu là 4 tháng.
2. Ý nghĩa nhân văn của Đề án
Đề án mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thành Ủy, HĐND, UBND Thành phố và toàn xã hội đối với chất lượng nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học hàng ngày đến trường đều được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sữa và thể hiện tính công bằng, bình đẳng trong cùng môi trường giáo dục thực hiện đầy đủ Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đặc biệt, khi triển khai Chương trình Sữa học đường, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ kinh phí, giảm chi phí đóng góp mua sữa của phụ huynh, miễn phí đối với học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách thể hiện sự quan tâm chăm sóc trẻ em của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Bên cạnh đó, khi thực hiện Đề án trẻ em mẫu giáo và học sinh sẽ được tuyên truyền về dinh dưỡng và rèn luyện thể lực hợp lý để có tầm vóc và sức khỏe tốt hơn; tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường sau khi uống sữa. Kết quả thực tế cho thấy trẻ rất thích thú với trò chơi gấp vỏ hộp sữa sau khi uống và tích cực uống hết số lượng sữa đúng thời gian và thực hiện gấp vỏ hộp bỏ vào thùng rác theo quy định.