Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Bánh trôi, bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này. Từ xa xưa bánh trôi, bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, nhân đậu xanh, vớt bán ra các bát nhỏ, thông thường mỗi bát là 3 bánh rồi chan nước bột sắn vào, rắc đậu xanh đã đồ chín lên, cho tinh dầu hoa bưởi và rải dừa lên. Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Và những truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay. Với mùi thơm phức của đỗ xanh, đường mật, không khí tết dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.
Hòa vào không khí ngày Tết Hàn Thực, hôm nay trường mầm non Phúc Đồng đã tổ chức cho các con nặn bánh trôi tại các khu vực trong sân trường. Mỗi khối lớp được các cô giáo kê bàn ghế gọn gàng, khoa học. Khối mẫu giáo nhỡ được nặn bánh trôi trên khu sân cỏ đa năng rất đẹp. Ngay từ đầu giờ sáng các cô giáo đã trải bạt, kê bàn ghế cho các con theo từng lớp. Các con được rửa tay sạch trước khi nặn bánh trôi.
Lớp MGN B3 nặn bánh trôi khu sân cỏ
Trước khi tập nặn bánh trôi các bé đã được cô giáo giới thiệu nguyên liệu và cách nặn chiếc bánh trôi. Trẻ vô cùng thích thú và chăm chú nghe cô hướng dẫn. Không những thế các con còn rất háo hức được nặn những viên bánh trôi tròn tròn, bé xíu.
Cô giáo Hồng Nhi hướng dẫn các con cách nặn bánh trôi
Những viên bột nếp trắng ngần được các bàn tay bé xíu, khéo léo của các bé xoay tròn trong hay lòng bàn tay trông thật đáng yêu. Có bạn khi nặn để hở viên dường ra ngoài rồi cứ loay hoay ấn bột cho kín, có bạn lại quên không cho đường vào nhân mà cứ xoay viên bột mãi trên tay có vẻ thích thú lắm. Nhìn những bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn đang vê vê, nặn nặn viên bánh trôi mới đáng yêu làm sao.
Không những thế khi nặn được bánh trôi các bé còn biết xếp ngay ngắn, gọn gàng vào khay để các bác nhà bếp luộc nữa đấy.
Những viên bánh trôi được nặn từ các bé lớp B3
Các con thật sự thấy vui khi tự mình đã làm ra được viên bánh trôi đầy ý nghĩa này. Từ hoạt động tập thể này, các con hiểu hơn về ý nghĩa ngày Tết Hàn Thực của dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động tập thể vừa rèn kỹ năng bóp mềm, lăn dài và xoay tròn vừa là một sân chơi bổ ích đối với trẻ.
Ảnh lưu niệm của lớp B3