Lãnh đạo PGD triển khai nội dung chương trình kiến tập
Tạo hình là một hoạt động mang tính nghệ thuật đặc thù. Với lứa tuổi Mầm non, nó là một hoạt động sáng tạo không thể thiếu. Thông qua hoạt động tạo hình, giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, của những điều tưởng chừng vô cùng giản dị trong cuộc sống xung quanh trẻ, giúp trẻ thể hiện xúc cảm, tình cảm của mình. Dạy tạo hình cho trẻ mẫu giáo không phải là dạy để trẻ trở thành các nhà họa sĩ mà thông qua hoạt động tạo hình giúp trẻ khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mĩ vốn có ở trẻ, rèn luyện khả năng quan sát, cảm nhận, phân tích, tổng hợp, sáng tạo, tạo cho trẻ hứng thú trước cái đẹp, tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mĩ, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về Đức – Trí – Thể - Mỹ. Ứng dụng phương pháp STEAM vào dạy Tạo hình cho trẻ càng tăng tính hấp dẫn cũng như sự chủ động của trẻ khi tham gia vào các hoạt động hơn nữa.
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, và nhận sự phân công của Phòng GD&ĐT Quận. Hôm nay, Thứ 5 ngày 08/12/2022 Trường MN Phúc Đồng đã tiến hành tổ chức 04 hoạt động dạy tạo hình có ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM cho trẻ ở bốn lứa tuổi. Đến dự và chỉ đạo buổi kiến tập có Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó trưởng phòng GD&ĐT Quận và các Đồng chí chuyên viên tổ giáo vụ MN, Đến dự để chia sẻ và học tập, có đại diện BGH và giáo viên cốt cán các trường – lớp MN trên địa bàn Quận. Đại diện phía trường MN Phúc Đồng, có Đồng chí Lưu Thị Nhận – BTCB, Hiệu trưởng cùng các đ/c CBGVNV trong trường.
Đến với chuyên đề Tạo hình năm nay, nhà trường đã triển khai 4 hoạt động tạo hình sáng tạo gồm các đề tài: “Vẽ gốm” ở lứa tuổi MG Lớn; “Làm đèn ngủ” ở lứa tuổi MG Nhỡ; “làm tranh tiêu bản thực vật” ở lứa tuổi MG Bé và “Bé chơi với màu” ở lứa tuổi Nhà trẻ.
Dạy học dự án là một hình thức tạo môi trường cho việc ứng dụng hiệu quả phương pháp Steam, dạy học dự án cũng giúp trẻ tìm hiểu sâu về một đối tượng hay một chủ đề nào đó mà trẻ thực sự quan tâm. “Vẽ gốm” chỉ là một trong những hoạt động nhỏ trong chuỗi hoạt động về dự án “Gốm Việt” của lớp MGL A1 của cô giáo Phạm Hiền và cô giáo Thùy Dương. Đây cũng là một trong những hoạt động đặc sắc thể hiện sự hiểu biết của trẻ sau 3 tuần thực hiện dự án, trẻ đã có những kiến thức hiểu biết về các làng gốm, đặc điểm đặc trưng của Gốm Việt, trẻ cũng đã có cơ hội tìm hiểu sâu về màu men vẽ trên gốm và các quy trình để tạo ra được những sản phẩm Gốm hoàn chỉnh. Trước khi diễn ra hoạt động vẽ Gốm, trẻ cũng đã được các cô tổ chức thực hiện chuyến đi khảo sát tại các xưởng gốm thuộc làng gốm nổi tiếng Bát Tràng. Tại đây, các con đã được tận mắt xem các quy trình xử lý đất, sản xuất gốm và thăm quan dây chuyền tạo ra gốm thành phẩm, các con còn được gặp gỡ nghệ nhân để hỏi về những kỹ thuật vẽ trên gốm, các loại màu men và quy trình nung chin gốm… Ngoài ra, trong dự án gốm, các con còn được bố mẹ hỗ trợ rất nhiều qua những buổi tìm kiếm thông tin trên mạng về các làng gốm nổi tiếng của Việt Nam, các loại hoa văn họa tiết cổ độc đáo và lịch sử phát triển của gốm Việt. Từ những buổi học qua chơi và qua các chuyến đi, trẻ đã có những kiến thức sâu về Gốm Việt. Cũng chính từ đó, tiết học Tạo hình vẽ gốm của các con đã có những kết quả rất khác biệt so với những tiết học tạo hình thông thường theo kiểu truyền thống.
Các con trải nghiệm làm gốm.
Chùm ảnh trong tiết học “Làm đèn ngủ” của các bé lớp MGN B1.
Còn đối với các bạn nhỏ lớp MGB C1 của cô giáo Tuyết Mai và cô giáo Ngọc Ánh thì không phải các con được làm đèn hay vẽ nặn gì cả, đối với các bạn nhỏ lớp MGB thì các cô lại thiên về việc dạy những kỹ năng đơn lẻ để các con có thể áp dụng một cách phong phú vào các hoạt động tạo hình cho những lứa tuổi sau. Chính vì vậy, hôm nay các cô đã dạy cho các bé kỹ năng sử dụng con lăn đúng cách để lăn cán đất nặn lên khay và làm nền cho việc làm tranh tiêu bản thực vật.
Ảnh cô giáo hướng dẫn trẻ sử dụng con lăn để cán đất.
Ở tiết học này, phương pháp steam được ứng dụng một cách rất nhẹ nhàng và tự nhiên như trẻ biết con lăn có dạng trụ tròn, có thể dùng để lăn cán đất lên bề mặt phẳng, trẻ cũng biết đất càng mềm càng dễ cán mỏng dẹt, cùng biết khi cán đất thì cần dùng lực của đôi bàn tay như thế nào cho vừa đủ…. Ngoài ra, các cô giáo còn cho trẻ biết tranh tiêu bản là gì và làm thế nào để có thể có được những bức tranh tiêu bản thực vật như mong muốn.
Ở lứa tuổi Nhà trẻ thì có lẽ ai dự giờ chơi với màu này xong cũng cảm thấy dạy nhà trẻ thật dễ dàng và đơn giản, ngay khi bước chân vào không gian hoạt động của cô giáo Hồng Anh, Thu An với các bé lớp NT D2, người dự đã có những cảm nhận thật thân thiện, nhẹ nhàng. Buổi chơi của các con cũng thật vui vẻ. “Từ những nguyên liệu tái chế thực sự rất bình thường nhưng lại tạo ra những hiệu quả phi thường” đó là một trong những lời nhận xét vô cùng đáng yêu từ những cô giáo đi dự. Với độ tuổi nhà trẻ, chơi mà học, học bằng chơi, cô Hồng Anh và cô Thu An đã dẫn dắt các bé đi từ hoạt động vui chơi này đến hoạt động vui chơi khác, không hề có sự ấn định trước mà đến cuối buổi chơi các bé đã tạo ra những bức tranh về cánh đồng cỏ xanh mướt và bức tranh về biển cả bao la. Sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc và tạo hình theo phong cách tạo hình Đan Mạch đã đem đến một hoạt động trải nghiệm đầy bất ngờ thú vị, và có lẽ điều bất ngờ nhất đó chính là giờ chơi kết thúc rồi mà người dự vẫn còn chưa biết đã kết thúc, các cô giáo vẫn còn ngồi chờ xem các bé sẽ còn tham gia hoạt động chơi gì tiếp theo.
Bé chơi với màu cùng cô Hồng Anh và cô Thu An.
Sau khi dự các hoạt động, các cô giáo cùng tập trung về Hội trường lớn để cùng đánh giá, nhận xét, chia sẻ kinh nghiệm. Nhà trường và các cô giáo đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, khâm phục chân thành từ các bạn bè đồng nghiệp trường bạn. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận Long Biên cũng đã phát biểu ghi nhận, đánh giá rất cao về sự nỗ lực cố gắng, sáng tạo và trưởng thành của đội ngũ giáo viên, sự tâm huyết, sát sao trong công tác chỉ đạo của Ban Giám Hiệu. Đồng chí thay mặt Phòng giáo dục chúc các cô giáo ngày càng phát huy, không ngừng sáng tạo trong công tác giáo dục trẻ. Chúc các bé luôn khỏe mạnh chăm ngoan, Nhà trường ngày càng phát triển thịnh vượng.
Một số hình ảnh khác