Ngày nay, khi ánh đèn đường rực sáng mọi góc phố, dường như đã làm mờ đi vầng trăng với ánh sáng dịu dàng trong con mắt trẻ thơ. Làm nhạt đi giấc mơ về một miền tuổi thơ bình an với những trò chơi dung dăng dung dẻ đón chị Hằng của những người đã lớn.
Với mục đích giáo dục truyền thống, hướng tới cuộn nguồn và ghi đọng dấu ấn tuổi thơ với vầng Trăng cổ tích cho các bé. Mùa Trung thu năm nay, Trường mầm non Phúc Đồng đã tổ chức thật nhiều các hoạt động hướng tới ý nghĩa giáo dục truyền thống từ bậc học mầm non, trong đó có hoạt động dạy trẻ cách làm đèn lồng và triển lãm đèn lồng dân gian.
Hình ảnh chiếc đèn lồng đêm Trung thu dường như không chỉ là món quà ý nghĩa trao tặng trẻ con nhân ngày lễ Trung thu mà còn là kỉ vật của người lớn gợi nhớ về miền tuổi thơ đầm ấm quây quần bên gia đình, bạn bè. Đây còn được coi là tết của trẻ con, hay "Tết trông trăng". Trẻ con được vui chơi thoả thích và được người lớn tặng bánh trung thu cùng những chiếc đền trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn thỏ ngọc, đèn cá chép...Tết trung thu đã trở thành một sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
“Tết trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trên tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đi đến cung trăng”
Qua buổi học, các con hiểu được làm Đèn lồng trung thu truyền thống thật nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, không thể vội vàng. Đèn lồng được làm từ tre và giấy kính, trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn lựa những đoạn tre tốt, sau đó chẻ, vót, cắt nan và tạo cốt, đây là công đoạn khó nhất vì để tạo được cốt đèn đẹp đòi hỏi người làm cần có óc tưởng tượng và sáng tạo cộng với đôi tay vô cùng khéo léo khi tạo hình để được những hình đèn lồng như ý muốn.
Sau khi đã tạo được cốt đèn, các cô giáo sẽ dán giấy bóng kính màu xanh đỏ lên bề mặt.. ở công đoạn này, đòi hỏi các cô giáo phải hết sức cẩn thận và tuyệt đối không được nóng vội bởi để nếu dán ẩu giấy kính sẽ bị nhăn và không căng mịn được, khi thắp đèn vào bên trong mọi vết nhăn sẽ bị lộ rõ khiến đèn lồng bị xấu và tạo cho người ngắm một cảm giác tiếc nuối.
Cuối cùng là công đoạn cắt và dán hoa văn trang trí. Các cô giáo đã hết sức cẩn thận khi tạo cốt và dán giấy kính màu, nhưng dường như công đoạn dán hoa văn lại là một khâu vô cùng khó và quan trọng quyết điịnh độ hoàn hảo vủa mỗi chiếc đèn. Đây là một việc không dễ dàng đâu nhé! Giấy tráng bạc dùng để cắt hoa văn rất trơn và khó cắt, để trổ được những bộ hoa văn có độ lớn khác nhau, đòi hỏi cô giáo phải cẩn thận và làm thật chậm. Và khi dán cũng cần có bí quyết chứ không phải bôi hồ vào mặt trái của hoạ tiết và dán lên là xong đâu.
Vậy là sau bao công đoạn các bé đã hiểu để làm được những chiếc đèn lồng ông sao, đèn lồng cá chép, đèn lồng Thỏ ngọc thì các thầy cô giáo đã phải rất kỳ công bằng tình yêu nghề và nhiệt huyết của mình, vì tuổi thơ của các con mà có thể làm được một phòng triển lãm đèn lồng như vậy. Qua đó, giáo dục các con biết trân trọng, biết yêu, biết gìn giữ những nét truyền thống cổ truyền dân tộc. Và hơn hết, các con đã có được những dấu ấn tuổi thơ và những dấu ấn về một mùa Trung thu vô cùng đặc biệt và ý nghĩa.
Đèn lồng trung thu truyền thống với nhiều kiểu dáng con vật khác nhau với những ý nghĩa tượng trưng dân gian được gửi gắm: đèn thỏ biểu hiện cho mặt trăng, đèn con cóc biểu hiện hàm ý cầu mưa thuận gió hòa, đèn cá chép bắt nguồn từ tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng với ý nguyện cầu cho nhân hòa, vật thịnh, con cháu giỏi giang.
Một số hình ảnh dạy cách làm đèn lồng và ảnh hoạt động:
Trẻ được xem bộ khung
Trẻ xem các cô dán giấy kính
Trẻ xem thành phẩm.
Sản phẩm sau khi dán trang trí.
Các cô giáo chuẩn bị cho Trung thu